Diệt vong Hậu Tấn

Sau khi Thạch Kính Đường (Tấn Cao Tổ) lên ngôi thì đất đai bị thu hẹp, số thuế thu được giảm đi mà lại phải nộp cống nhiều cho người Khiết Đan. Do đó phải tăng thuế và áp dụng nhiều chính sách bạo ngược đối với dân chúng.

Hành động cung kính ngoại bang của Thạch Kính Đường khiến nhiều tướng địa phương như An Trọng Vinh không phục, nổi dậy làm loạn. Dù sau đó các cuộc làm loạn bị dẹp nhưng chính quyền Hậu Tấn càng suy yếu.

Năm 942, Tấn Cao Tổ chết, con người anh là Thạch Trọng Quý lên ngôi, tức là Tấn Xuất Đế. Phụ chính Cảnh Diên Quảng khuyên Xuất Đế không phục nước Liêu, chỉ xưng là "cháu" mà không tôn Liêu là "vua".

Người Khiết Đan thấy vậy mưu tính việc chiếm trọn miền Bắc Trung Quốc, Vua Liêu Da Luật Đức Quang liền mang quân Nam tiến. Quân Tấn hai lần đẩy lui quân Liêu (944, 945).

Đức Quang liền quay sang cách cũ, chia rẽ nội bộ Tấn, mua chuộc tướng Đỗ Trọng Uy, hứa đưa lên làm vua như giúp Thạch Kính Đường trước đây. Một bộ phận tướng Tấn cũng phản Tấn theo Liêu. Năm 947, người Khiết Đan chiếm được Kinh đô và gần hết miền Bắc Trung Quốc. Thạch Trọng Quý cùng gia quyến bị người Khiết Đan bắt giữ đưa về Bắc và chết già ở đó. Do Trọng Quý bị bắt ra khỏi nước nên được gọi là Xuất Đế.

Nhà Hậu Tấn truyền được mười một năm tổng cộng hai đời, rồi bị Khiết Đan diệt. Lưu Tri Viễn, một bộ tướng của Thạch Kính Đường, nhân khi lòng dân oán ghét ngoại tộc Khiết Đan chiếm đóng bèn đem quân đánh đuổi Khiết Đan năm 947 để thành lập nhà Hậu Hán